Các tác phẩm tượng đồng trang trí góp phần giúp ta định hình lại những giá trị đáng được ưu tiên trong thế giới này.

Chúng ta đều quen thuộc với những lợi ích của hai nghìn năm văn minh: mức tăng phi thường về của cải, nguồn cung cấp lương thực, tri thức khoa học, tính sẵn có của hàng hóa tiêu dùng, an ninh thể chất, tuổi thọ dự kiến và cơ hội kinh tế.

Có lẽ điều khó nhận thấy hơn, và phức tạp hơn, là những bước tiến ấn tượng về vật chất này diễn ra đồng thời với một hiện tượng mà đến gần đây mới thật sự được quan tâm: sự gia tăng mức lo âu về tầm quan trọng, thành tựu và thu nhập của những công dân bình thường. Điều này dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng khác, đó là sự sai lệch trong việc chúng ta đánh giá cái gì là đẹp, là ý nghĩa, là đáng ưu tiên.

Sống giữa một xã hội tiêu dùng, ta có xu hướng cho rằng những gì xa xỉ, lấp lánh, hoặc đắt tiền mới đáng được trân trọng. Nhưng, như câu ngạn ngữ tiếng Anh “all that glitters is not gold” (tạm dịch: Chớ thấy sáng loáng mà tưởng là vàng), không phải mọi thứ trông có vẻ quý giá hay chân thực đều đúng như vậy. Giá trị của một vật phụ thuộc vào cách nó thay đổi góc nhìn của ta về cuộc sống như thế nào. Và do đó, chúng hoàn toàn không nằm ở vẻ bề ngoài.

Ở mọi thời kỳ, một trong số những phương pháp có thể giúp con người tái định nghĩa, theo hướng tích cực hơn, về thứ bậc quan trọng của những thứ họ có hoặc mong muốn, chính là nghệ thuật. Đó cũng là chủ đề của bài chia sẻ lần này từ đội ngũ Trâm Anh Art.

Tượng đồng trang trí an ủi tâm hồn bạn như thế nào?
Tượng đồng trang trí an ủi tâm hồn bạn như thế nào?

Vai trò của nghệ thuật

Nghệ thuật có ích gì? Đây là câu hỏi vảng vất giữa tầng lớp trí thức Anh những năm 1860, và theo nhiều nhà bình luận, câu trả lời là: không là bao. Suy cho cùng, nghệ thuật không phải thứ đã xây dựng các nhà máy công nghiệp, lắp đặt hệ thống đường ray, đào những con kênh hay biến đế quốc Anh thành vùng đất “nơi mặt trời không bao giờ lặn”.
>> Xem thêm: Chọn lựa giữa thẩm mỹ và giá tiền khi mua tượng điêu khắc
Bằng giọng cay nghiệt, họ đánh giá nghệ thuật, khi áp dụng vào đời sống thường ngày, chỉ là một thiên hướng vạch lá tìm sâu, yêu chiều sự thoải mái vị kỷ và không quyết đoán trong hành động. Một cá nhân có tinh thần nghệ thuật bị trói buộc trong hình ảnh của những người sống trên mây, thiếu ý chí, phi thực tế và vì vậy, hẳn phải nghèo.

Trước sự công kích vô căn cứ và có phần lố bịch ném về phía những người yêu nghệ thuật, nhà thơ và nhà phê bình Matthew Arnold, giáo sư về thi ca ở trường đại học Oxford, đã soạn thảo và ấn hành một công trình nghiên cứu để bảo vệ cho nghệ thuật. Cuốn sách Culture and Anarchy (tạm dịch: Văn hóa và vô chính phủ) của ông xoáy sâu vào mục đích của nghệ thuật, và việc nó có chức năng như thế nào trong đời sống.

Nhà thơ và nhà phê bình Matthew Arnold (ảnh: Britannica)
Nhà thơ và nhà phê bình Matthew Arnold (ảnh: Britannica)

Arnold thừa nhận, trong mắt của nhiều người Anh lúc bấy giờ, nghệ thuật không hơn gì một thứ “thuốc xoa dịu” chỉ có tác dụng nhất thời và thiếu thiết thực. Nhưng trên tất thảy, Arnold biện luận: nghệ thuật chính là thuốc giải độc công hiệu nhất cho những căng thẳng và lo lắng sâu thẳm trong tâm hồn một con người.

Một nhà văn, một nhạc sĩ hay một điêu khắc gia sẽ không tạo ra những thứ có giá trị theo tiêu chuẩn của tờ Daily Telegraph, nhưng họ là bậc thầy trong việc phô bày những vấn đề, và cả giải pháp cho các cuộc khủng hoảng tinh thần, nỗi lo âu về địa vị hay xung đột nội tâm, những thứ ẩn sau vẻ bề ngoài tưởng chừng như chẳng có gì bất ổn của bất kỳ ai.

Nói cách khác, đọc một cuốn sách, ngắm một bức tượng, xem một vở kịch, lắng nghe một bản nhạc giao hưởng không giải thoát chúng ta khỏi sự thiếu thốn về vật chất, nhưng chúng đủ khả năng giúp ta bớt cô đơn, lạc lõng, và bằng một sự đồng cảm hiếm có, an ủi chúng ta rằng ta không phải người duy nhất phải hứng chịu bất hạnh của đời người.

Arnold cho rằng, tất cả những tác phẩm nghệ thuật lớn đều ẩn chứa một khát vọng làm cho thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Ông kết lại luận điểm của mình như sau: Nghệ thuật là sự phê bình cuộc sống.

Vai trò của nghệ thuật là gì?
Vai trò của nghệ thuật là gì?

Vậy chúng ta nên hiểu thế nào về vai trò của nghệ thuật từ câu chữ của Arnold? Rõ ràng nhất, vì con người luôn nhầm lẫn về những giá trị đáng được ưu tiên và trân trọng trong cuộc sống, nghệ thuật có thể đóng vai trò là những phương tiện đưa ta đến một cách hiểu đúng đắn, thông thái và đa cảm hơn về cuộc đời.

Nhà máy, ống hơi nước, đường ray xe lửa, những bộ quần áo, trang sức đắt tiền, chức tước, danh hiệu của một quý ông hay quý bà,… Tất cả những thứ xa xỉ này hiếm khi nào là chủ đề chính của một tác phẩm nghệ thuật, thay vào đó là lòng trắc ẩn, sự nhân hậu, nỗi đau, bi kịch sống hay số phận của một người lương thiện.
>> Xem thêm: Tượng đồng phong thuỷ và 3 ý nghĩa đặc biệt
Thay vì mô tả cuộc đời của một quý tộc Nga giàu có, sở hữu nhiều mẫu đất, ăn ngày ba bữa ở các nhà hàng sang trọng, Dostoevsky chọn dẫn người đọc theo chân chàng sinh viên Raskolnikov, người có học thức nhưng nghèo khổ cùng cực, kiểu người ta có thể gặp hàng ngày ở Nga giữa thế kỷ 19.

Chàng nghèo đến mức phải ra tay thực hiện một tội ác không thể tha thứ, để rồi trải qua cơn dằn vặt nội tâm tưởng chừng có thể đẩy bất cứ ai trong chúng ta đến cơn điên loạn. Càng theo dõi Tội ác và trừng phạt, ta càng nhận ra nỗi khốn khổ đáng thương của Raskolnikov và tái cân bằng các quan điểm đạo đức của chính mình.

Tương tự, trong Lão Goriot (1834) của Balzac, không phải Madame de Nucingen với ngôi nhà mạ vàng của bà là người giành được niềm cảm thông của chúng ta, mà chính là ông già Goriot đã rụng hết răng, lê lết những tháng ngày dài đằng đẵng của đời mình trong căn nhà trọ tồi tàn.

Bức tranh “Meal for a Convalescent” (ảnh: Art Dots)
Bức tranh “Meal for a Convalescent” (ảnh: Art Dots)

Hay trong bức tranh “Meal for a Convalescent” (tạm dịch: Bữa ăn cho người dưỡng bệnh), được Jean-Baptiste Chardin vẽ khoảng năm 1738, ta bắt gặp một phụ nữ ăn bận khiêm tốn đứng trong một căn phòng đồ đạc sơ sài, bóc vỏ quả trứng cho một người bệnh mà ta không thể thấy. Đó chắc chắn không phải loại chủ đề dành cho một nghệ sĩ lớn, theo như các tiêu chuẩn được Viện Mỹ thuật Pháp đặt ra, khi viện này được Louis XIV thành lập năm 1648.

Nhưng, như Marcel Proust đã nhận xét, “Chardin đã dạy chúng ta rằng một quả lê cũng có thể tràn đầy sức sống như một phụ nữ, một cái bình cũng đẹp đẽ như một viên đá quý”.

Và ta cũng tìm thấy điều tương tự ở nghệ thuật điêu khắc tượng đồng trang trí.

Tượng đồng trang trí an ủi tâm hồn bạn như thế nào?

Nghệ thuật điêu khắc tượng đồng trang trí có thể thách thức cách hiểu thông thường của xã hội về việc ai hay cái gì là quan trọng và đáng được ưu tiên.

Tượng đồng trang trí “Happy Harvest” là một tác phẩm nổi tiếng của nhà điêu khắc César Baldaccini (1/1/1921- 6/12/1998). Ông khắc họa hình ảnh một người phụ nữ nông thôn nước Pháp với rổ nho đội trên đầu và rổ táo kê trên hông, bước về từ vườn nhà. Đó là một khoảnh khắc bình thường trong cuộc đời của một con người bình thường. Tại sao lại mô tả khung cảnh ấy?

Tượng đồng trang trí “Happy Harvest” của nhà điêu khắc César Baldaccini
Tượng đồng trang trí “Happy Harvest” của nhà điêu khắc César Baldaccini

Một thôn nữ miền Nam nước Pháp không phải chủ đề đáng để tâm, theo cảm nhận của những người Anh sống cùng thời với Matthew Arnold, những người mà đối với họ, chỉ có tượng Hy Lạp, La Mã cổ đại hay chân dung các vị vua và hoàng hậu mới là phương thức thể hiện cao quý nhất.

Song, bên trong tác phẩm tượng đồng trang trí “Happy Harvest” ẩn chứa một sự phản kháng đối với bất cứ cái nhìn nào dám coi niềm vui lao động của người phụ nữ là vô giá trị.

Nhân vật chính mặc một bộ váy áo mùa hè với tay áo xắn cao, trang phục thường thấy của những thôn nữ phương Tây. Khuôn mặt nàng nở nụ cười nhẹ nhàng, khiến cả tác phẩm hiện lên như bức chân dung về cuộc sống bình yên, đầy đủ và no ấm. Sự bình dị trong tác phẩm tượng trang trí này gợi cho ta ấn tượng về một cuộc đời mà ở đó, sự ấm áp và cảm giác thư thái luôn ngập tràn.

Tượng đồng trang trí Happy Harvest hiện đang được trưng bày tại Trâm Anh Art
Tượng đồng trang trí Happy Harvest hiện đang được trưng bày tại Trâm Anh Art

Không khó để những người Pháp giữa thế kỷ 19 bắt gặp một người phụ nữ trở về từ nông trại. Và có lẽ bởi vì xu hướng chung của con người là bỏ qua những gì quen thuộc, nên thật hiếm khi họ dành sự chú ý đến các bức tượng đồng trang trí mô tả thôn nữ. Thay vào đó, sẽ thật dễ dàng khi bị hút mắt vào sự lôi cuốn tráng lệ của một bức tượng gắn nhãn “Hy Lạp cổ đại” hay “Phục Hưng”.

Nhưng Baldaccini đã cho ta thưởng thức khung cảnh bị bỏ qua và cho vẻ đẹp tiềm tàng của nó hiển hiện, để rồi từ đó, hình ảnh một người phụ nữ mỉm cười nhẹ nhàng, đang trên đường trở về từ nông trại, sẽ không còn trở thành hư không trong hiểu biết của chúng ta về hạnh phúc.

Trước Baldaccini, Jules Dalou là một nhà điêu khắc khác, cũng bằng những bức tượng của mình, đã tìm cách phá vỡ các khái niệm quy ước về cái đẹp. Trong tác phẩm “La paysanne Francaise allaitant son enfant”, ông mô tả một người phụ nữ nông dân Pháp đang cho con bú. Tác phẩm tượng đồng trang trí khắc họa vẻ đẹp của tình mẫu tử, sự kết nối thiêng liêng của tạo hóa.

Tượng đồng trang trí La paysanne francaise allaitant son enfant của nhà điêu khắc Jules Dalou
Tượng đồng trang trí La paysanne francaise allaitant son enfant của nhà điêu khắc Jules Dalou

Một lần nữa, khung cảnh trong tác phẩm là hình ảnh quen thuộc với hầu hết người dân Pháp thời điểm đó. Người phụ nữ ngồi trên chiếc rổ bằng rơm dựng ngược thay cho ghế. Vẫn là bộ trang phục thường thấy của tầng lớp lao động ngày xưa, với váy dài và chiếc khăn dùng để che mái tóc, nàng ẵm đứa bé trên tay và cho nó bú. Người ta có thể bắt gặp nụ cười của người phụ nữ đang hé mở trên môi khi nàng quan sát đứa bé.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều tác phẩm tượng đồng trang trí đã nắm bắt được cái đẹp của cuộc sống đời thường, chuyển hóa và lưu trữ chúng bằng phương tiện là nghệ thuật. Tác động của việc quan sát một bức tượng đồng trang trí biết dành sự chú ý cho những xung động thoảng qua như thế còn nằm ở chỗ: khi ta quay trở lại đời sống thực, ta có thể để tâm vào chính xác những điều hẳn sẽ nhận được phản ứng của tác giả nếu họ ở cùng chúng ta.

Những tác phẩm tượng đồng trang trí đương đại của César Baldaccini hay Jules Dalou dường như gợi ý rằng, những cuộc đời bình thường của những con người bình thường là khung cảnh đáng để ta ngắm nhìn và từ đó, soi chiếu lại tâm hồn mình. Giống như Dostoevsky, Balzac, Marcel Proust, Chardin và rất nhiều nghệ sĩ khác, những nhà điêu khắc tài năng giúp ta định hình lại những giá trị đáng được ưu tiên trong thế giới này.

Xin chân thành cảm ơn,

--------

TRAM ANH ART See Our Soul
  • Fine Art Gallery: 51 Nam Ky Khoi Nghia, District 1, Saigon
  • Website: https://tramanh.art
  • Email: cs@tramanh.art
  • Facebook/ Instagram: @tramanh.antiques -
  • Hotline: +84 91 872 1668